Trong kho tàng văn học dân gian của người Thái Tây Bắc, truyện thơ “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu) có một vị trí xứng đáng. Với mọi thế hệ người Thái Tây Bắc, “Xống chụ xon xao” là quyển sách quí nhất trong mọi quyển sách quí! Theo các nhà nghiên cứu: “Tiễn dặn người yêu” là một kiệt tác nghệ thuật dân gian có giá trị nhân đạo sâu sắc, là truyện thơ hay nhất trong kho tàng truyện thơ của các dân tộc ít người, một tác phẩm lớn trong nền văn học Việt Nam”.
Truyện thơ “Xống chụ xon xao” được lưu hành bằng những bản chép tay ở khắp vùng Tây Bắc: Nghĩa Lộ, Sơn La, Lai Châu… Bản do Mạc Phi sưu tầm và ấn hành năm 1960 có độ dài 1846 câu.
“Xống chụ xon xao” là một câu chuyện tình kể về Anh và Em khi còn là hai bào thai, họ biết nhau từ trong bụng mẹ, hai người sinh ra gần như một giờ, một ngày và ở cùng một bản, họ yêu nhau từ thuở ấu thơ: “Yêu nhau từ thuở mới ra đời/Trao duyên gửi nghĩa từ hồi còn thơ”. Lớn lên đôi trẻ “Đã thương nhau quyết lấy”. Chàng trai hăm hở sắm lễ vật đến nhà người yêu để xin cưới, nguyện sẽ làm rể ngoan, “xin làm gà gô, cun cút cổ cườm”. Nhưng cha mẹ nàng gạt phăng đi vì chê chàng trai nghèo khổ. Cha mẹ nàng ép gả nàng cho một gã con trai nhà giàu nhưng xấu xí. Oái ăm thay khi “Mẹ cha ưng gả khi em còn ở trên nương/Khi em còn đang ngoài ruộng”.
Nàng “nhắm mắt đưa chân“ nhận người mẹ cha ép gả về ở “rể ngoài” trong tâm trạng vô cùng đau khổ, nhưng vẫn nuôi một hy vọng mong manh, chàng trai sẽ có cách thay đổi số phận. Chàng trai ra đi làm ăn xa, với một niềm hy vọng: “Bạc mười nén anh sẽ chuộc em về/Vải năm trăm anh sẽ cởi em ra”.
Ác nghiệt thay, thời gian trôi đi, “bảy mùa cá lũ trôi xuôi”, người kia hết làm “rể ngoài” rồi “rể trong”, chàng trai vẫn cuối trời thăm thẳm. Khi nàng đành đưa chân làm theo ý mẹ cha “cho con về nhà chồng” thì chàng trai trở về, “đành nhìn người yêu bước về nhà chồng”. Chàng trai không quản nguy hiểm chạy theo người yêu, cuộc tiễn dặn của đôi bạn tình khi đau đớn tột cùng, khi đầy phấn khích. Khi cô gái bị chồng hắt hủi, đánh đập, chàng trai vẫn ở lại để an ủi, chăm sóc thuốc thang. Họ vẫn son sắt thề nguyền: “Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông/Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già”.
Cô gái bị nhà chồng ghẻ lạnh: “Khi chưa lấy nhau người vồ vập/Khi chưa đón về người xun xoe”. Khi đã là dâu thì “dâu ơi xuống sàn ăn cám”, rồi còn bị chồng đánh đập, cuối cùng bị nhà chồng đuổi về. Nàng lại bị bán cho nhà quan. Lần này nàng rơi vào hoàn cảnh bi phẫn bội phần, đến nỗi “ngẩn ngơ vụng dại” và bị đem ra chợ rao bán, cuối cùng bị đổi với giá một cuộn lá dong(!)
Ngẫu nhiên người đổi được nàng lại là người yêu cũ, song chàng không nhận ra vì nàng thay đổi quá nhiều. Chỉ khi nàng mang chiếc đàn môi chàng tặng năm xưa ra thổi, chàng trai mới nhận ra, tình yêu lại đâm chồi nẩy nụ như “Hoa sớm ngậm sương/Hoa khẳm cuối dòng nẩy lá non tơ” (hoa khẳm là loại hoa quí trong truyền thuyết, rất đẹp và chỉ nở lúc nửa đêm). Chàng trai đưa người yêu về nhà rồi tổ chức đám cưới, một đám cưới thật hạnh phúc sau bao năm xa cách, đau đớn và tủi nhục.
1846 câu thơ đã miêu tả trọn vẹn mối tình mang tính lí tưởng cao đẹp của chàng trai và cô gái toả sáng trong mọi hoàn cảnh, giữa thói đời xấu xa đen bạc mà còn có một giá trị to lớn, thức tỉnh lương tri, đề cao tinh thần đấu tranh giải phóng con người.
Cách giải quyết có hậu, thiên về phong cách lãng mạn với không khí hiện thực, tạo phong cách trữ tình sâu lắng, đặc trưng của truyền thống thơ trữ tình của thơ ca dân gian. Truyện thơ tiếp thu được những tinh hoa của tục ngữ dân ca Thái, đậm chất thơ trong truyện với ngôn ngữ nghệ thuật dân gian điêu luyện, thấm đượm tình người giữa cảnh thiên nhiên Tây Bắc tươi đẹp, tạo nên một bản sắc riêng, làm cho tác phẩm sống mãi trong tâm hồn mọi thế hệ người Thái Tây Bắc.
Ngày nay “Xống chụ xon xao” vẫn được hát trong những cuộc vui, ngày tết, những đêm “Hạn Khuông”… Người Thái Tây Bắc hát “Xống chụ xon xao” để hiểu thêm chặng đường đấu tranh gian khổ của cha ông, thêm tin yêu vào cuộc sống tươi đẹp hôm nay, trân trọng nâng niu và gìn giữ cho mai sau.